Đưa golf vào trường học và nỗi lo lắng của những “ngân hàng vô thời hạn”!
“Golf là môn thể thao nhà giàu, nên làm sao Việt Nam có khả năng lập những sân Golf cho học sinh khi trường học còn chưa có sân chơi cho học sinh đúng nghĩa?”
“Ngân hàng vô thời hạn” là cách ví von vui của nhiều người để nói về những bậc phụ huynh đang trong thời gian nuôi con ăn học.
Mới đây thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức đưa bộ môn Golf vào giảng dạy như một trong những bộ môn giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn, bắt đầu từ năm học 2021 – 2022, đã khiến các diễn đàn dành cho bậc phụ huynh – những “ngân hàng vô thời hạn” được dịp sôi động.
Được biết, Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao – ĐHQG Hà Nội đã và đang phối hợp với Học viện Nason Golf School, Hiệp hội Golf Việt Nam để tập huấn, đào tạo môn Golf cho giảng viên.
Từ đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa bộ môn này vào giảng dạy cho sinh viên. Các em có thể lựa chọn một trong các môn thể thao để học, trong đó có môn Golf. Đây được coi là một bước đi mới trong chủ trương phát triển Golf Việt Nam, đưa golf vào học đường.
Thông tin này đã khiến nhiều bậc phụ huynh không thể không lên tiếng và lo lắng bởi golf được biết đến như một môn thể thao quý tộc đắt đỏ, không phù hợp với mặt bằng chung của đại đa số người dân, tạo khoảng cách giàu nghèo ngay trong trường học. Và rất rõ ràng, quan điểm phản đối đã “áp đảo” hẳn những ý kiến đồng tình với việc nên đưa bộ môn này vào trường học.
“Theo tôi nếu đưa bộ môn golf với khái niệm là cho các em kiến thức để mai này, có dịp trao đổi trong những cuộc thảo tiệc thì tôi nghĩ nên để thời gian đó cho các em học những bộ môn chọn lựa đi sâu vào ngành nghề . Những trò như chơi golf, bonsai là thú vui cá nhân, các em có thể học hỏi tùy sở thích sau khi ra trường. Tôi lớn lên và được giáo dục ở nước ngoài từ nhỏ, tôi chưa bao giờ thấy ĐH nào trên thế giới đưa những bộ môn thể thao vào chương trình học vấn. ĐH nước ngoài có câu lạc bộ thể thao để các em tham gia tùy theo sở thích sau giờ học”;
“Trong các môn thể thao, bản thân tôi thấy golf là môn thể thao lãng xẹt nhất. Người ta nói golf là môn thể thao quý tộc, cũng đúng thôi vì nó thu hút người chơi ở độ tuổi “như Mr Trump” (thông thường U50 trở lên, những người đã thành công và có hướng hưởng thụ cuộc sống), không đòi hỏi sức khỏe, sức bền như môn khác, người ta có thể vác cái bụng bia đến chơi bình thường. Chơi golf mục đích chính là hít thở không khí trên đồng cỏ, kết hợp việc đi bộ và sự giao tiếp với đối tác, không phù hợp với sinh viên”.
“Đa số các gia đình học sinh đều không đóng nổi học phí môn này với giá sân như hiện nay, nhà trường xây sân golf thì càng bất khả thi hơn. Nếu gia đình nào có đủ điều kiện và muốn con học golf thì nên cho trẻ học ngoài, không nên để đa số người phải khổ vì thiểu số thích vậy!”
“Thực tế chút đi. Học thể thao đầu tiên là rèn thể chất, sau là đáp ứng nhu cầu tự nhiên. Việt Nam sông ngòi nhiều thì luyện bơi lội. Golf là dành cho sự trải nghiệm, chưa kể với kinh phí bây giờ là nhiều người trưởng thành còn chưa thể.”
“Theo tôi đề xuất này sẽ bị phá sản! Golf là môn thể thao nhà giàu nên làm sao Việt Nam có khả năng lập những sân Golf cho học sinh khi trường học còn chưa có sân chơi cho học sinh đúng nghĩa . Chưa kể học sinh đi học mà mang theo gậy Golf có khác nào tự trang bị vũ khí có tính sát thương cao (gậy kim loại nhé!). Nói chung môn Golf khó áp dụng vào môn thể thao của học đường, nên dạy bơi lội và kỹ năng sống mới thiết thực hơn.”
“Tiền trọ, tiền giáo trình, học ngoại ngữ, tiền ăn còn phải chạy từng bữa mà đưa Golf vào dạy thì em cũng chịu. Sau này ra đời làm việc, tùy vào công việc và môi trường mà người ta sẽ chọn môn thể thao vừa khỏe vừa kết nối được công việc”.
“Thể thao trong trường học phải là những môn đại chúng, dễ chơi, dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Golf là môn quá xa xỉ và không thực tiễn với điều kiện ở Việt Nam nói riêng và đại đa số các nước trên thế giới, đến phụ huynh hôm nào sếp cho theo mới mon men đến được sân golf nói gì học sinh”.
Lo ngại rằng đây là môn học tạo “hố sâu” ngăn cách giàu nghèo, một phụ huynh cho rằng:
“Đưa golf vào trường học ư? Tức là đưa golf trở thành môn thể thao đại chúng?! Bớt mơ đi! Golf là môn thể thao rất tốn kém cả thời gian và tiền bạc, nếu đưa vào trường học chỉ có một số đối tượng “nhà có điều kiện” mới có thể tham gia mà trong môi trường giáo dục rất cần sự hòa đồng, bình đẳng, lại đào thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Lại nữa, nếu cả hàng triệu, hàng chục triệu học sinh tham gia đánh golf thì đất ở đâu để làm sân golf?”
Nhiều ý kiến cùng cho rằng môn cần phải đưa vào để bắt buộc 1 sinh viên khi tốt nghiệp phải có là bơi lội, và học luật an toàn giao thông; vì nó là kỹ năng sinh tồn và kỹ năng sống tốt nhất mỗi người cần phải có:
“Tôi nghĩ môn bắt buộc 1 sinh viên khi tốt nghiệp phải hoàn thành là môn Bơi lội. Golf thì có thể biết chơi hay không biết thì không có vấn đề gì. Nhưng bơi mà không biết thì khi đụng chuyện thì có thể trả giá bằng cả tính mạng”;
‘Hãy đưa môn luật giao thông đường bộ trở thành môn bắt buộc, mỗi năm cứu sống hơn chục ngàn mạng người và bao gia đình không phải chịu cảnh con mất cha chồng mất vợ; Nhà nước và nhân dân đỡ mất đi nhiều nghìn tỷ để khắc phục thiệt hại do tai nạn giao thông.
Còn cái môn Golf của thế giới thượng lưu 100 năm nữa đưa vào trường TDTT cũng không muộn”.
“Hãy dạy làm người, các kỹ năng mềm, giáo dục thể chất trước đã. Xã hội bây giờ không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để nuôi con học đại học chứ đừng nói đến chơi golf. Đúng là ý tưởng của đại gia không phù hợp đại đa số sinh viên”.
Và những ý kiến đồng tình trở nên yếu ớt:
“Golf, quần vợt,… không phải là những môn thể thao đơn thuần, mà nó là môn thể thao dành cho doanh nhân, cho giới tinh hoa. Đó là môn thể thao để từ đó có cơ hội xây dựng, mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm đối tác. Vì vậy việc giảng dạy môn này cho những sinh viên học về kinh doanh.. là điều bình thường”;
“Thì cứ mở lớp, ai có tiền thì học. Ngồi đó mà nói là các em học sinh khác tủi thân này nọ thì sẽ không bao giờ có golf. Môn này đắt đỏ, chả bao giờ có chuyện ai cũng học được. Người nghèo nhiều không có nghĩa là người giàu cũng phải nghèo theo mới được. Cái đó gọi là cào bằng, sân golf mãi không có mà những thứ khác cũng chả có luôn”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy chia sẻ ở khung bình luận bên dưới nhé!
Khả Vân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!